19/04/2024

Tin Mới 247

Cập Nhật Tin Công Nghệ | Đời Sống | Sport | Y Học

Nguyễn Thị Cẩm Nhung và hành trình thực hiện ước mơ trên đôi nạng gỗ

Nguyễn Thị Cẩm Nhung

Cuộc sống không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng mà luôn có những khó khăn, vấp ngã. Điều này giúp chúng ta có thể đứng lên mạnh mẽ hơn và nhiệt huyết hơn thế nữa. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như bao người bình thường khác có được một thân hình đầy đặn và hoàn thiện. Câu chuyện về cô bạn chống gậy đi học cũng đã thu hút sự chú ý của mọi người và cũng mang lại nguồn cảm hứng tích cực về sống đẹp cho cộng đồng xung quanh. Nhân vật chính của chúng ta là nữ sinh Nguyễn Thị Cẩm Nhung (18 tuổi).

Tai nạn đã cướp đi một bên chân của Cẩm Nhung

Tai nạn đã cướp đi một bên chân của Cẩm Nhung

Năm 2002, Nguyễn Thị Cẩm Nhung (quê huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) chào đời khỏe mạnh, lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhưng rồi biến cố xảy đến, một ngày khi Nhung đang đi chơi với bạn thì bị trượt ngã do đường trơn. Cú ngã khiến Nhung gãy chân và được đưa đi bệnh viện điều trị. Lúc này cô chỉ mới 5 tuổi. Bác sỹ băng bó được vài tháng cũng giúp cô bé đi lại được. Tuy nhiên niềm vui chưa được tày gang, chỉ vài tháng sau đó, chỗ xương gãy biến chuyển xấu đi buộc phải tháo khớp để bảo toàn tính mạng.

Quên đi nỗi đau để đối diện với sự thật

“Mất đi một chân, tôi phải tập đi nạng từ lúc 5 tuổi. Mẹ là người tập luyện, dìu đỡ cho tôi đi suốt mấy tháng liền. Lần đầu tiên đi được thì bị ngã. Lúc đó tôi khóc rất nhiều, mẹ dỗ hoài không nín”, Cẩm Nhung nhớ lại ngày chập chững làm quen với đôi nạng gỗ.

Từ đó, trong suốt thời gian học lớp 1 đến lớp 9. Mỗi chặng đường đến trường và về nhà của cô học trò xứ Dừa đều do ba mẹ đưa rước. Những lúc ba mẹ bận việc không chở đi được thì cô nghỉ học ngày đó. Lên cấp 3, Nhung tự đi lại bằng xe ba bánh.

Cẩm Nhung cho biết, do mất đi một chân nên trong quá trình học không thể tham gia các môn thể chất và cũng chẳng được chơi đùa như các bạn cùng trang lứa. “Thời gian trước đây, có một số bạn đã miệt thị, nói lời khó nghe với tôi. Dần dần tôi cũng quen với điều đó. Không để ý đến những điều đó nữa mà tập vui vẻ với bản thân”. Cẩm Nhung chia sẻ.

Những nỗ lực của Cẩm Nhung đã được đền đáp

Nguyễn Thị Cẩm Nhung

Giờ đây, sau ngót 15 năm đồng hành với “người bạn” nạng gỗ trong sinh hoạt hằng ngày, Cẩm Nhung đã là cô gái tự tin, tươi tắn và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và những người thân yêu ở quê nhà. Cô gái 19 tuổi hiện là sinh viên năm nhất ngành Thiết kế đồ họa, khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Nhung cho biết, dù xa quê bước vào môi trường học tập mới, cô may mắn không gặp trở ngại gì nhiều, bởi ở đây nhanh chóng được thầy cô và bạn bè yêu mến, giúp đỡ. Điều đó phần nào tạo thêm cho cô niềm vui, động lực cố gắng, phấn đấu nhiều hơn.

“Lúc xưa còn ở quê, nửa đêm tủi thân tôi suy nghĩ bậy bạ rằng bản thân sao vô dụng quá. Muốn chết đi để khỏi làm phiền ba mẹ. Nhưng rồi dần cũng nghĩ thông suốt hơn bởi mình còn có tương lai. Tôi tự nhủ sẽ cố gắng học để ông bà, bố mẹ vui lòng. Gia đình muốn tôi có một cuộc sống tốt. Và tôi hứa phải học tốt để sau này có được việc làm ổn để tự lo cho bản thân và báo hiếu ông bà, cha mẹ”. Cô nữ sinh Bến Tre bộc bạch và cho biết thêm, ở quê, ba cô làm thợ hồ, còn mẹ lo việc nội trợ.

“Nhung là người có ý chí, nghị lực cao. Dù thể chất, sức khỏe không bằng nhiều bạn. Nhưng Nhung luôn nỗ lực trong học tập, đi học thường xuyên. Chứ không vắng học như một số bạn bình thường khác”. Thanh Trang chia sẻ.

Lý do Nhung lựa chọn khoa Mỹ thuật công nghiệp

Lý do Nhung lựa chọn khoa Mỹ thuật công nghiệp

Từ thuở nhỏ, Nhung đã thích vẽ, các bức tranh có sức hút kỳ lạ với cô bạn. Lại thêm muốn có việc không yêu cầu đi lại nhiều sau này. Nữ sinh quyết định chọn học ngành Mỹ thuật công nghiệp của trường ĐH Tôn Đức Thắng. Khi lên Sài Gòn, Nhung một mình xoay xở cuộc sống thời sinh viên. Ở ký túc xá, hàng ngày cô gái nhỏ nhắn tự lên giảng đường bằng đôi nạng gỗ.

Theo học tại trường, Cẩm Nhung dần quen nhiều bạn bè, thầy cô và được mọi người giúp đỡ. Cô bạn cho biết mặc dù bị tật, di chuyển khó khăn. Nhưng bản thân có thể đi bất kỳ nơi đâu ở trường. Những tầng lầu dần dần trở nên dễ thở hơn với đôi chân nhỏ của Nhung.

Kiên trì sẽ giúp chúng ta vượt qua được tất cả

“Tôi muốn nhắn gửi với mọi người rằng, trong cuộc sống sẽ tồn tại những sự việc. Những điều may mắn mà mình không biết trước được. Chỉ cần mình cố gắng, mang trong mình niềm tin, tinh thần lạc quan, vui vẻ. May mắn cũng sẽ đến và đáp trả lại sự cố gắng của mình. Sẽ luôn có người thân và bạn bè bên cạnh giúp đỡ mình. Dù là khó khăn lớn thì cũng sẽ hóa giải thành vấn đề nhỏ mà thôi” – Nguyễn Thị Cẩm Nhung.

Lời kết

Dù khó khăn nhưng cô gái này vẫn luôn sống tích cực, lạc quan và mong muốn trải nghiệm những thứ mới mẻ trong cuộc sống. Dù đi chậm hơn mọi người, Cẩm Nhung vẫn sẽ không lùi bước trước khó khăn để có tương lai tốt hơn. Chính nghị lực phi thường đó đã truyền thêm sức mạnh, nguồn động lực vô tận cho bạn bè cùng trang lứa khác.